Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Khoa Luật

Chức năng, nhiệm vụ của Khoa Luật - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Điều 1. Chức năng

Tổ chức, quản lý và phát triển các chương trình đào tạo ngành Luật và các học phần luật học trong chương trình đào tạo các ngành khác theo kế hoạch của Học viện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên được Giám đốc Học viện phân công.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Về tổ chức, quản lý và phát triển đào tạo

a) Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy các chương trình đạo tạo ngành Luật và các học phần Luật học được phân công trong các chương trình đào tạo theo kế hoạch đào tạo của Học viện.

b) Nghiên cứu đề xuất Ban Giám đốc Học viện mở các các chuyên ngành đào tạo ngành Luật theo quy định.

c) Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động học thuật (dự giờ, bình giảng…) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

d) Xây dựng đề thi hoặc bộ đề thi các học phần; thực hiện kiểm tra, đánh giá thi hết môn, quản lý điểm kiểm tra, điểm thi các học phần trong chương trình đào tạo do Khoa phụ trách và thực hiện công tác giáo vụ khác.

đ) Triển khai và phối hợp với các bộ phận trong Học viện thực hiện các hoạt động có liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện quy trình, nội dung đảm bảo chất lượng đào tạo theo hướng dẫn của Học viện.

e) Định kỳ đề xuất Giám đốc Học viện về xây dựng mới, điều chỉnh nội dung chương trình, phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành Luật; cập nhật, điều chỉnh đề cương chi tiết các học phần được phân công trong các chương trình đào tạo theo kế hoạch của Học viện; biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo được Giám đốc Học viện giao.

g) Tham gia công tác tuyển sinh của Học viện; tham gia tư vấn chuyên môn về lĩnh vực Khoa phụ trách.

h) Quản lý toàn diện diện việc học tập, rèn luyện của sinh viên trong Khoa, kịp thời nắm bắt việc học tập và rèn luyện của sinh viên; thực hiện cố vấn học tập.

i) Phối hợp với các Phòng chức năng đề nghị Giám đốc Học viện: Đánh giá phân loại rèn luyện sinh viên; xét thi đua khen thưởng; kỉ luật, thực hiện chế độ chính sách (học bổng khuyến khích; trợ cấp xã hội; miễn giảm học phí) theo quy định, quy chế của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện đối với sinh viên thuộc Khoa quản lý.

2. Về nghiên cứu khoa họchợp tác quốc tế

a) Xây dựng, triển khai các hoạt động đề xuất, đấu thầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên.

b) Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ phù hợp với chuyên môn khi được Học viện giao.

c) Chủ động đề xuất với Học viện tham gia các Hội nghị khoa học chuyên ngành hoặc liên quan;

d) Phối hợp với các bộ phận, hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

đ) Tổ chức, hướng dẫn sinh viên viết khóa luận, luận văn tốt nghiệp và bảo vệ khóa luận, luận văn tốt nghiệp;

e) Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc ngành luật.

3. Về quản lý các nguồn lực của khoa

a) Quản lý nhân sự của khoa, đề xuất tuyển dụng nhân sự cho khoa hàng năm; tổ chức đánh giá viên chức hàng năm; thực hiện công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật trong phạm vi phân cấp của khoa.

b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo của khoa, phù hợp với kế hoạch chính sách phát triển nguồn nhân lực của Học viện.

c) Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, mạng lưới các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học. Giới thiệu và tham gia đào tạo giảng viên, chuyên gia đầu ngành.

d) Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của Khoa.

4. Bộ môn trực thuộc Khoa

a) Bộ môn Lý luận nhà nước và pháp luật: Có nhiệm vụ quản lý và giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành như Lý luận Nhà nước và pháp luật, pháp luật đại cương, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Pháp luật các vấn đề xã hội, Pháp luật về thanh thiếu nhi; các học phần chuyên ngành thuộc chuyên môn Hành chính nhà nước như: Pháp luật về công chứng, chứng thực, Pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, Pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Pháp luật về quyền con người… trong các chương trình đào tạo của Học viện. Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể, Học viện có thể phân công Bộ môn quản lý, giảng dạy thêm một số học phần khác trong các chương trình đào tạo của nhà trường.

b) Bộ môn Luật Kinh tế: Có nhiệm vụ quản lý và giảng dạy các học phần chuyên ngành luật kinh tế như Luật thương mại, Luật lao động, Luật cạnh tranh, Luật đất đai, Luật môi trường và các học phần kỹ năng thuộc chuyên ngành luật kinh tế như: Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực lao động, Kỹ năng đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng thương mại, Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai, Luật an sinh xã hội… trong chương trình đào tạo ngành luật của Học viện. Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể, Học viện có thể phân công bộ môn quản lý, giảng dạy thêm một số học phần khác trong các chương trình đào tạo của Học viện.

c) Bộ môn Luật Hình sự và Tố tụng hình sự: Có nhiệm vụ quản lý và giảng dạy các học phần như Luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật so sánh, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, xã hội học pháp luật… trong chương trình đào tạo ngành luật của Học viện. Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể, Học viện có thể phân công bộ môn quản lý, giảng dạy thêm một số học phần khác trong các chương trình đào tạo của Học viện.

d) Bộ môn Luật Dân sự và Tố tụng dân sự: Có nhiệm vụ quản lý và giảng dạy các học phần chuyên ngành dân sự và tố tụng dân sự như Luật dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và các học phần kỹ năng thuộc chuyên ngành luật Dân sự như: Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực dân sự, Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình… trong chương trình đào tạo ngành luật của Học viện.

about-star