Hội thảo “Xây dựng Chương trình Bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Xây dựng Chương trình Bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2027.

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Bùi Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn và TS. Nguyễn Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Đoàn chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía các Ban, đơn vị Trung ương Đoàn có các đồng chí: Lê Thanh Tú - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn; Vũ Huy Dương - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn; Đỗ Công Tuân - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; Nguyễn Hữu Tú - Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn.

Về phía Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có: TS. Hoàng Minh Tuấn - Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện; TS. Hà Tài Sáu - Giám đốc Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện. Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Đoàn chủ chốt của các cấp bộ Đoàn, đại diện các tỉnh, thành Đoàn, Nhà trường trong và ngoài hệ thống.

TS. Hoàng Minh Tuấn - Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội Thảo

Phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội Thảo, TS. Hoàng Minh Tuấn - Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết việc tổ chức Hội thảo là nội dung quan trọng của Đề án Bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2027 dược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 489 ngày 11/5/2023, trong đó Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ thường trực, tổ chức thực hiện Đề án.

Hiện nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành 10 chương trình và tài liệu bồi dưỡng gồm: 01 Chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản về công tác Đoàn, Hội, Đội (chương trình 02 tháng); 03 chương trình bồi dưỡng theo chức danh: Bí thư Đoàn cấp tỉnh, Bí thư Đoàn cấp huyện, Bí thư Đoàn cấp cơ sở; 06 chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ: công tác tuyên giáo; công tác tổ chức; công tác kiểm tra; công tác Đoàn kết tập hợp thanh niên; công tác thiếu nhi; công tác Đoàn trong trường học cho đội ngũ cán bộ chuyên trách của Đoàn các cấp với các nội dung đều được chuẩn hóa và thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. 

Tuy vậy, công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn trong những năm qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế vì các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cán bộ Đoàn cần phải có kiến thức, kỷ năng làm việc trong môi trường số hóa, phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong học tập, lao động, khởi nghiệp. Những yêu cầu này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc cần phải đổi mới công tác bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa có tính lâu dài để đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi - TS. Hoàng Minh Tuấn trao đổi.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường Lê Duẩn đánh giá chương trình bồi dưỡng đã được Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chuẩn bị rất công phu; những nội dung đề nghị sửa đổi là cấp bách, cần thiết, phù hợp với các đối tượng cụ thể. Đồng thời, Đề xuất bổ sung thêm nội dung tập huấn về công tác giám sát, phản biện theo Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị; bổ sung kỹ năng lãnh đạo, quản lý ; kỹ năng quản trị cảm xúc; bồi dưỡng cán bộ Đoàn khối Trung học phổ thông và các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thiếu nhi.

Đại diện cho Tỉnh đoàn Ninh Bình, Th.s Phạm Thị Hương Giang nhận định các nội dung của Chương trình bồi dưỡng đã có sự cập nhật, đổi mới, nhiều kiến thức từ Chương trình đã áp dụng được vào thực tiễn, giải quyết được nhiều tình huống cụ thể trong lúc làm việc với thanh niên. Trong thời gian tới, đơn vị chủ trì cần quan tâm, cụ thể hóa các bài học kinh nghiệm mới, áp dụng chuyển đổi số và vận dụng có hiệu quả trong hoạt động của cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới các phương thức truyền tải thông tin của tổ chức Đoàn đến với đoàn viên. Ngoài ra, Th.s Phạm Thị Hương Giang mong muốn các chuyên gia, soạn giả sẽ chú trọng, chi tiết hóa hơn nữa về vấn đề khởi nghiệp, việc làm thu hút đoàn viên tham gia.

Đồng chí Vũ Huy Dương, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn ghi nhận Chương trình bồi dưỡng đã được xây dựng một cách khoa học, bài bản dưới sự góp ý, chỉnh sửa của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Dưới góc độ của Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn, đồng chí Vũ Huy Dương đánh giá vai trò của mảng kiểm tra, giám sát trong Chương trình là phù hợp, số tiết dành cho nghiệp vụ kiểm tra tương đối đầy đủ. Trong thời gian qua và sắp tới đây, công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi đã, đang và sẽ có thêm nhiều nội dung mới, từ đó đề nghị các đơn vị có liên quan cần chủ động xây dựng, cập nhật đổi mới nội dung để phù hợp thực tiễn công tác.

Đồng chí Bùi Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn phát biểu ý kiến

Phát biểu ý kiến, đồng chí Bùi Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn đề xuất các nội dung bồi dưỡng cần được xây dựng cụ thể, bám sát nhu cầu thực tiễn của các cơ sở; cần chú trọng thiên về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội và nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị công việc theo từng vị trí. Quá trình xây dựng chương trình cần gắn kết chặt chẽ với các phương thức đào tạo, phải tinh gọn, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, cần thêm những chuyên đề mở, chuyên đề chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ Đoàn.

Ngoài ra, Hội Thảo còn ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo. Qua đó, kỳ vọng sẽ là những tư liệu quý giá để Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2027 tiếp thu, lĩnh hội và vận dụng có hiệu quả.

Kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tới dự và đóng góp những ý kiến chất lượng tới Hội thảo. Học viện sẽ đánh giá, điều chỉnh lại thời lượng tối thiểu của các lĩnh vực bồi dưỡng nhằm tăng tính hiệu quả. Cùng với đó, giảm thời lượng các kiến thức lý thuyết, tăng kiến thức thực hành. Đối với mặt nội dung sẽ tiếp tục điều chỉnh, cập nhật phù hợp trong tình hình mới, thiết kế theo các nhóm vấn đề.

Đối với hình thức bồi dưỡng sẽ tăng cường áp dụng công nghệ, các phần kiến thức lý thuyết cơ bản sẽ học tập từ xa để phát huy sự tự học của người tham gia, còn các phần học thực hành, kỹ năng sẽ học tập trung để người học có môi trường rèn luyện, trải nghiệm. Đồng thời, Ban tổ chức Hội thảo sẽ báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề xuất phối hợp với các cơ quan có liên quan, tiếp tục nghiên cứu các cơ chế và hoàn thiện công tác chuẩn hóa giảng viên và cấp chứng chỉ cho người học - TS. Nguyễn Hải Đăng cho biết.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Quang Chính. Theo https://thanhnienviet.vn/

about-star
about-star