Hội thảo góp ý dự thảo “Đề án phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”

Ngày 28/12/2024, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo “Đề án phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”, một trong những nội dung nghiên cứu của Đề tài cấp Quốc gia “Phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” Mã số ĐTĐL.XH.04/22 trong giai đoạn 2022-2025” do Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là chủ nhiệm đề tài. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các tổ chức liên quan.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung Tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ, Viện Kinh tế Việt Nam, CLB Đầu tư và khởi nghiệp, tỉnh Hòa Bình cùng các nhà nghiên cứu đến từ các Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội… Về phía Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có TS. Nguyễn Hải Đăng – Giám đốc Học viện, TS. Trần Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Học viện, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam nhấn mạnh, thanh niên là lực lượng xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ vào thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thanh niên với khát vọng làm giàu và sức mạnh của người trẻ, đã trở thành lực lượng lao động chủ yếu trong các mô hình kinh tế với nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại, cách mạng công nghiệp 4.0, sự năng động và khả năng thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và có lợi thế khi có khả năng thích ứng nhanh trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong thực tế, trong nhiều năm qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên trong quá trình lập nghiệp, phát triển kinh tế. Một trong những hướng đi hiệu quả đó là thanh niên tự tổ chức xây dựng và phát triển các các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được thanh niên tại một số địa phương nghiên cứu ứng dụng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thanh niên hiện nay gặp nhiều khó khăn và bộc lộ không ít những hạn chế đòi hỏi những giải pháp có tính liên ngành, kết hợp những chính sách hỗ trợ hiệu quả, được triển khai thực hiện một cách đồng bộ với sự tham gia của các bộ, ngành, lĩnh vực, nhất là tổ chức Đoàn các cấp.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất những ý kiến có giá trị để hoàn thiện dự thảo Đề án. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát nhiệm vụ, giải pháp và nghiên cứu lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, có tính đến đặc thù vùng - miền, đối tượng đặc thù, nhất là đối tượng người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét về phạm vi, quy mô cũng như các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ Phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng Đề án cần tập trung vào xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ đoàn phụ trách, đối với nhóm kỹ năng hỗ trợ thanh niên trong tiếp cận vốn có thể nêu bật thêm kỹ năng gọi vốn. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong - Phó viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá cao kết quả của Đề án. Tiến sĩ Phong nhìn nhận, công nghệ cao trong nông nghiệp không phải là một lĩnh vực quá mới, tuy nhiên, thực tế chúng ta chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp có thể chia thành vùng thuận lợi và vùng khó khăn để đánh giá sát thực tế. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng cần gắn với các chương trình ở từng địa phương.

Phát biểu ý kiến, Tiến sĩ Phạm Hồng Quách - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những nội dung trong Đề án. Tiến sĩ Quách cũng nhìn nhận một số vấn đề cần hoàn thiện, bổ sung như cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác động của Đề án, hướng dẫn lộ trình cập nhật công nghệ cao để phù hợp với thực tế, đạt hiệu quả như kỳ vọng và việc đánh giá kết quả có thể thực hiện theo từng giai đoạn. Cũng theo Thạc sĩ Trần Hương Thảo - Phó Giám đốc Trung Tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần làm rõ vai trò của các Bộ, ngành trong Đề án. Theo Thạc sĩ Thảo, có nhiều thanh niên sau thời gian đi làm ăn xa quyết định trở về quê hương để lập nghiệp, làm giàu đẹp cho mảnh đất quê hương. Hơn nữa cũng có nhiều mô hình khởi nghiệp thanh niên, xuất phát từ các thanh niên có trình độ, quay về quê hương phát triển đặc sản... Thạc sĩ Thảo đánh giá cao chất liệu Đề án, dày công trong tìm hiểu vấn đề khơi gợi nhiều vấn đề trong việc ứng dụng công nghệ cao.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Văn Cầu - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên nhấn mạnh đến năng lực sử dụng đội ngũ chuyên gia trong hỗ trợ phát triển các mô hình của thanh niên. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Văn Cầu cũng cho rằng, cần nhìn nhận vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa các mô hình điển hình.

Ngoài ra, Hội Thảo còn ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo liên quan đến việc thành lập các câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp tại các tỉnh, cũng như việc xây dựng các chương trình đào tạo nên cập nhật các xu hướng phát triển như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đồng thời việc xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn cần sát với từng đơn vị, địa phương và đối tượng cụ thể.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tới dự và đóng góp những ý kiến chất lượng tới Hội thảo. Đề án sẽ tiếp tục hoàn thiện theo các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa khoa để  có thể thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đưa việc áp dụng công nghệ cao trở thành hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp của thanh niên cũng như nhân rộng mô hình ra cả nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương và đất nước thì cần phải có các chương trình trong đó nhấn mạnh vai trò của Đoàn trong việc đồng hành và hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn từ 2025-2030.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

about-star
about-star