Hội thảo “Góp ý chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam”

Thực hiện chương trình công tác năm 2025, sáng ngày 15/1/2025, tại Học viện Thanh thiếu niên đã diễn ra Hội thảo Góp ý chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo ngành Kinh tế ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam”.

Tham dự hội thảo, về phía Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có TS. Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Học viện, TS. Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị học, nhóm xây dựng chương trình đề án mở ngành Kinh tế và giảng viên khoa Chính trị học. Về phía khách mời có các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà tuyển dụng đến từ các trường Đại học và viện nghiên cứu như Đại học Công Đoàn, Đại học Điện lực, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Công thương…

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học, Phó Giám đốc Trần Thị Tuyết Nhung đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu và khách mời tham dự là các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các cơ sở đào tạo ngành kinh tế như Đại học Công đoàn, Học viện Phụ Nữ, Đại học Điện lực, cùng với các đơn vị tuyển dụng Kiểm toán nhà nước, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Công thương. Trải qua lịch sử phát triển 68 năm, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế đối với xã hội trong giảng dạy đào tạo, hoạt động bồi dưỡng. Với tiềm lực, nguồn lực Học viện đã đáp ứng đủ điều kiện để mở ngành Kinh tế. Với mong muốn, thông qua cuộc Hội thảo Khoa học để tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà tuyển dụng góp ý về mục tiêu chương trình đào tạo, ma trận chuẩn đầu ra; tính phù hợp của các học phần trong chương trình đào tạo.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị học đã nêu ra căn cứ khi xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cần tuân thủ theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là đơn vị đi sau trong đào tạo ngành Kinh tế nên kế thừa, vận dụng các cơ sở đã xây dựng đào tạo ngành Kinh tế; do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phải đảm bảo tính tương đồng, tính liên thông đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; đồng thời có tính đặc thù của Học viện. Năm 2025, Học viện sẽ kiểm định ngành đào tạo, nên việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế cũng phải đáp ứng yêu cầu kiểm định.

Tại cuộc Hội thảo khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đã đánh giá cao về chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế, ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của khoa, của Học viện trong chuẩn bị Đề án theo quy định của Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT. Về cơ bản, các đại biểu đều thừa nhận chương trình đào tạo đảm bảo đáp ứng quá trình đào tạo cử nhân ngành kinh tế

 Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia khách mời cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong chương trình đào tạo được xây dựng (nên gom gộp tín chỉ, kiến thức các môn học, đối tượng người học,…) và nêu lên những giải pháp nhằm hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế như: 1) viết gọn lại mục tiêu đào tạo; 2) nên gom gộp các học phần và nâng cao tín chỉ; 3) Xác định rõ ma trận và chuẩn đầu ra, mục tiêu chương trình đào tạo cho phù hợp với ngành kinh tế; 4) nên bổ sung một số học phần mới như kinh tế xanh, kinh tế bền vững; 5) các môn học cần bố trí sắp xếp hợp lý, theo trật tự các môn học; 6) Vị trí việc làm cần ghi cụ thể…

Phần trao đổi, thảo luận đã diễn ra sôi nổi với các câu hỏi và góp ý đến từ các đại biểu, qua đó đã gợi mở những hướng triển khai về chương trình đào tạo cử nhân kinh tế ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Bế mạc hội thảo, TS. Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Học viện đã tổng kết lại những nội dung Hội thảo và tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; đề nghị Khoa Chính trị học nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình đào tạo của ngành kinh tế, đảm báo đúng tiến độ đề ra trong kế hoạch của Học viện. Trước thềm xuân Ất Tỵ, TS. Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Học viện đã gửi lời chúc đến các quý vị đại biểu, các nhà khoa học một mùa xuân mới tràn đầy năng lượng mới, sức khỏe, thành công.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

about-star
about-star